Những trường hợp được hưởng chế độ thai sản theo quy định mới từ năm 2025

Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật BHXH về BHXH bắt buộc, trong đó đề xuất về chế độ thai sản.

Những trường hợp được hưởng chế độ thai sản theo quy định mới từ năm 2025- Ảnh 1.

Chế độ thai sản mới không chỉ mở rộng đối tượng được hưởng mà còn tăng thêm nhiều quyền lợi cho người lao động

ẢNH: THU HẰNG

Theo dự thảo, điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định tại các khoản 2, 3 và 5 điều 50 của luật BHXH.

Cụ thể, lao động nữ sinh con thuộc trường hợp trước đó phải nghỉ việc để điều trị vô sinh thì điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con.

Thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được xác định như sau:

Trường hợp sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH bắt buộc, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trong thời gian trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để đi khám thai, sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung, thực hiện các biện pháp tránh thai thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 51, 52 và 57 của luật BHXH.

Chế độ thai sản không thay đổi khi tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng

Trợ cấp thai sản được thực hiện theo quy định tại điều 59 của luật BHXH và được dự thảo hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính trợ cấp thai sản là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.

Trường hợp tháng sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi.

Đối với người lao động hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của luật BHXH ngay trong tháng đầu tham gia BHXH bắt buộc, mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của chính tháng đó.

Mức hưởng chế độ thai sản của người lao động không được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng.

No comments

Powered by Blogger.